4 nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
29.01.2024

Nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh đường huyết và đáp ứng tốt mục tiêu điều trị.
1. Nguyên tắc 1: Chế độ dinh dưỡng đa dạng
Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ từ nhiều nguồn thức ăn sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể hoạt động bình thường. Với bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đối tượng trẻ em lại càng cần một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Thông thường, một chế độ ăn cân bằng phải có đầy đủ các nhóm chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo sức khỏe của người bệnh:

  • Chất đạm (Protid): Chiếm 15-20% năng lượng khẩu phần ăn (tương đương 0,8g/kg/ngày với người lớn), giúp cho các tế bào, các mô của các cơ quan, bộ phận của cơ thể phát triển. Tuy nhiên với bệnh nhận có bệnh lý về thận nên lưu ý điều chỉnh lượng đạm cơ thể tiếp nhận.
  • Chất béo (Lipid): Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, và không nên vượt quá 30% trong chế độ dinh dưỡng. Hạn chế chất béo bão hoà (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Thay vào đó nên ăn các chất béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương… để cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp hấp thu một số vitamin.
  • Chất bột đường (Glucid): Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần. Nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt, khoai,... và hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt…).

Tỷ lệ các nhóm chất dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh.

2. Nguyên tắc 2: Duy trì 3 bữa ăn chính
Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đối với người cân nặng ổn định, đường huyết kiểm soát tốt không cần thiết phải ăn thêm bữa phụ hoặc chia nhỏ bữa ăn. Người bệnh chỉ ăn thêm bữa phụ khi phải vận động nhiều, có nguy cơ bị hạ đường huyết và gây nguy hiểm như bệnh nhân cao tuổi, có các biến chứng tim mạch nặng nề, suy thận hoặc bệnh nhân đang dùng Insulin thì cần xem xét có bữa phụ.
Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, kèm những bữa ăn nhẹ sẽ giúp tránh nguy cơ trên, ổn định mức glucose máu.
3. Nguyên tắc 3: Tăng cường chất xơ
Chất xơ rất tốt trong quá trình điều trị bệnh cho người tiểu đường vì có khả năng khống chế cho lượng đường, mỡ màu và kiểm soát tình trạng huyết áp. Các thức ăn có nhiều chất xơ như rau xanh, một số hoa quả sẽ lưu lại dạ dày lâu hơn, ngăn cản các men tiêu hóa tác dụng với thức ăn, làm chậm quá trình tiêu hóa và hạn chế hấp thu đường vào máu.
Lượng chất xơ tiêu chuẩn cho một người trưởng thành được khuyến nghị trong khoảng 20-50g mỗi ngày.
4. Nguyên tắc 4: Sử dụng phương pháp nấu ăn lành mạnh
Phương pháp nấu ăn càng đơn giản càng giữ được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm. Vậy nên các phương pháp nấu ăn lành mạnh thường không qua nhiều bước chế biến, hạn chế gia vị, ưu tiên các loại gia vị tự nhiên. Cụ thể, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

  • Sử dụng phương pháp nấu ăn hạn chế chất béo như luộc, hấp, hầm,... thay vì áp chảo hay chiên ngập dầu.

  • Sử dụng các gia vị tự nhiên và ít đường.
  • Tránh sử dụng thực phẩm chứa nhiều carbohydrate (bột ngô, bột mì,...) để chế biến món ăn.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường được thiết lập để định hình chế độ dinh dưỡng, cũng như nhắc nhở bệnh nhân về cách chăm sóc và cải thiện sức khoẻ. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường cần tuân thủ phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường để ổn định đường huyết tốt hơn, tăng hiệu quả cho quá trình điều trị và hạn chế các biến chứng sau này.

Xem thông tin sản phẩm tại đây