Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, chiếm đến 31% tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, trong năm 2016 có hơn 170.000 ca tử vong vì bệnh tim mạch.
1. Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch (CVD - Cardiovascular disease) là các tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của tim do các rối loạn tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm: bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim.
Bệnh tim mạch gây suy giảm chức năng của tim
2. Triệu chứng cảnh báo bệnh tim mạch thường gặp
Không phải tất cả các vấn đề về tim đều có cảnh báo rõ ràng, dưới đây là 6 dấu hiệu nhận biết “sớm” bệnh tim mạch
- Khó thở: xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.
- Đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch, người bệnh có cảm giác bị đè nặng ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại.
- Mệt mỏi, kiệt sức: cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày, thậm chí là ngay sau khi ngủ dậy. Đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi do tim giảm chức năng co bóp.
- Phù, tích nước: mặt, bàn chân căng phù, mí mặt nặng kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi, là những triệu chứng phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
- Nhịp tim nhanh: tim đập với tốc độ nhanh hơn, đánh trống ngực hoặc đập dồn dập. Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi.
- Tiểu đêm: người bệnh tim mạch sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu.
- Chán ăn, buồn nôn: người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no, do sự tích tụ của dịch trong gan hoặc hệ thống tiêu hóa.
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh tim mạch
3. Các phương pháp điều trị bệnh tim
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tim mạch và tình trạng cụ thể sẽ được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị bệnh tim mạch thông dụng:
- Sử dụng thuốc
Đối với trường hợp nhiễm trùng ở bệnh tim mạch sẽ sử dụng các loại thuốc kháng sinh, các loại thuốc kiểm soát bệnh tim phụ thuộc vào loại bệnh tim mạch mà bệnh nhân mắc phải.
- Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt
Người bệnh tim mạch cần tuân thủ lối sống, lựa chọn một chế độ ăn uống ít chất béo và muối ăn, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn (ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần), tránh xa thuốc lá và rượu bia.
- Kỹ thuật y tế, phẫu thuật tim:
Khi thuốc không điều trị bệnh tim mạch hiệu quả, có thể đề xuất cho bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật tim (nong mạch, thay thế van tim, máy tạo nhịp tim nhân tạo,...)
4. Phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả
Bệnh tim mạch có thể sẽ được cải thiện hoặc thậm chí ngăn ngừa được bằng cách thay đổi các thói quen không tốt và duy trì một lối sống lành mạnh.
- Theo dõi và kiểm soát tốt nồng độ Cholesterol và nồng độ đường trong máu.
- Kiểm soát huyết áp, bệnh tiểu đường (những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch).
- Không hút thuốc lá, rượu bia cùng các chất kích thích gây hại.
- Lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
- Giữ cân nặng luôn ổn định, tránh nguy cơ béo phì.
- Luyện tập thể dục thể thao điều độ để nâng cao sức khoẻ, bảo vệ tim mạch.
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.
- Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để phát hiện sớm bệnh tim mạch và phòng ngừa hiệu quả.
Xem thêm thông tin sản phẩm liên quan tại đây