Các tác nhân gây đau mắt đỏ
10.09.2023

Bệnh viêm kết mạc cấp, còn gọi đau mắt đỏ, là bệnh lý tại mắt phổ biến. Bệnh khá lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi... ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt.

Bệnh phát triển mạnh vào mùa hè do khí hậu nóng ẩm, nhiều khói bụi và ô nhiễm là yếu tố thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Có 4 tác nhân gây bệnh chủ yếu, gồm vi khuẩn, virus, dị ứng và viêm kết mạc nhú gai do dùng kính áp tròng.

Cụ thể, nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm kết mạc cấp như phế cầu, tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, bạch hầu... Ở trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc do lậu cầu qua đường sinh dục của người mẹ bị bệnh lậu.

Virus gây bệnh gặp nhiều nhất là Adenovirus, thường lây lan mạnh gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường. Ngoài ra còn có virus Enterovirus, virus Herpes...

Người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng dẫn đến đỏ nhanh hai mắt ngứa nhiều, làm cho người bệnh dụi tay lên mắt, và chính là nguyên nhân gây bội nhiễm, cũng có thể bị ngứa, sổ mũi. Bệnh hay tái phát nhiều đợt, tiết tố dai dính trắng, đôi khi có tiết tố vàng, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ. Cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Ngoài ra, đau mắt đỏ còn do viêm kết mạc nhú gai khổng lồ, liên quan đến việc sử dụng kính áp tròng lâu dài.

Triệu chứng đau mắt đỏ

Sau thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2-3 ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn ở mắt. Nếu ghèn nhiều buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Ghèn cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm.

Khi khám mắt thấy mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề. Nhiều ghèn ở bờ mi và bề mặt kết mạc. Một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc. Nếu nguyên nhân gây bệnh là liên cầu, phế cầu, bạch hầu...thì kết mạc mi thường có lớp giả mạc che phủ.

Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng hàng tháng. Nếu nguyên nhân là Adenovirus thì người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.

 

Điều trị như thế nào?

Người bệnh khi bị viêm kết mạc nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt vì không những ít có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu.

Một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc. Khi đó, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém kinh phí mà di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mở vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt.

Viêm kết mạc cấp hiếm khi phải dùng kháng sinh đường tiêm. Thông thường các bác sĩ chỉ kê kháng sinh nhỏ mắt 5-7 lần mỗi ngày. Tra rửa mắt bằng nước muỗi sinh lý NaCl 0,9% nhiều lần tác dụng rửa trôi ghèn mắt cùng tác nhân gây bệnh ra ngoài giúp cho mau khỏi bệnh. Sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ mắt ngày 4-6 lần để giảm cảm giác khó chịu.

Xem thêm thông tin sản phẩm tại đây.