1. Các biểu hiện của bệnh cúm A
- Đau họng và ho
- Hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Nhức đầu và nhức mỏi cơ thể...
Bệnh lây lan qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh có thể mắc bệnh khi tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng, chạm vào mắt.
Do đó, khi bị nhiễm bệnh, người mắc bệnh cần nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho mọi người.
Khi bị cúm, dùng thuốc hạ nhiệt nếu sốt cao; uống nhiều nước; súc miệng nước muối; nhỏ thuốc mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý; tắm nước ấm hoặc lau người, chườm ấm giúp hạ sốt.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu điều trị triệu chứng. Đối với thể bệnh nhẹ không biến chứng điều trị tại nhà bằng nghỉ ngơi; ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, dùng thức ăn lỏng có công dụng trừ nhiệt, nhuận phế, sinh tân dịch, bổ trung, ích khí.
2. Một số món cháo bổ dưỡng
2.1 Cháo mạch môn đông gạo nếp
Nguyên liệu: Mạch môn đông 12g, gạo nếp 80g, cam thảo 3g, táo đỏ 3 quả, sâm cao ly 3g, một ít mật ong.
Cách làm: Cho các vị thuốc sắc lấy nước, gạo nếp ngâm qua cho vào nồi cùng với nước thuốc, cho thêm nước nấu thành cháo.
Cách dùng: Ăn cháo một ngày một thang, có thể ăn cả mạch môn đông và táo đỏ.
Tác dụng: Ích khí dưỡng âm, nhuận phế, sinh tân dịch. Thích hợp điều trị cảm cúm, nóng trong người, miệng khô họng khát.
2.2 Cháo nước mía
Nguyên liệu: Nước mía 150ml, gạo 100g.
Cách làm: Cho nước mía và một ít nước lạnh, gạo, nấu thành cháo.
Cách dùng: Ăn khi đói, ăn liền 5-7 ngày.
Tác dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, sinh tân dịch. Thích hợp với các chứng cảm sốt, phế táo (phổi nóng), ho khan, bệnh nhiệt, miệng khô, táo bón.
2.3 Cháo ngọc trúc
Nguyên liệu: Củ rễ ngọc trúc 20g, gạo100g, một ít đường phèn.
Cách làm: Rửa sạch ngọc trúc, băm nhỏ, sắc hai lần, bỏ xác; cho gạo và thêm nước vào; cháo chín cho đường phèn vào đun sôi.
Cách dùng: Ăn khi đói; ăn liền 3-5 ngày.
Tác dụng: Nhuận phế, sinh tân dịch, giảm khát; thích hợp với các chứng cảm cúm, sốt nóng, miệng khát, ho, tổn thương phế vị.
2.4 Cháo sữa đậu
Nguyên liệu: Sữa đậu tươi 500ml, gạo 50g, một ít đường trắng.
Cách làm: Gạo đãi sạch, cùng với sữa đậu nấu cháo, cháo chín cho đường trắng vào.
Cách dùng: Ăn sáng và tối, có thể ăn liên tục vài tuần.
Tác dụng: Thanh phế nhiệt, trừ ho, trị suy nhược cơ thể; hỗ trợ điều trị cảm cúm.
2.5 Cháo hoàng tinh
Nguyên liệu: Hoàng tinh 15g, gạo tẻ 100g, một ít đường trắng.
Cách làm: Cho hoàng tinh vào sắc ba lần, nhập nước thuốc lại, cho gạo vào nấu cháo; cháo nhừ cho đường vào.
Cách dùng: Ăn khi đói, ăn liền 5-7 ngày.
Tác dụng: Bổ trung ích khí, nhuận tâm phế, bổ tì vị; thích hợp với chứng tì phế âm hư, thiếu lực.
2.6 Cháo tiểu mạch
Nguyên liệu: Tiểu mạch 50g, đại táo 5 quả, gạo 80g.
Cách làm: Đãi sạch tiểu mạch, gạo. Tiểu mạch có thể ngâm nước hoặc giã nhỏ, cho vào cùng với đại táo, nấu sắp chín, cho gạo vào nấu thành cháo nhừ.
Cách dùng: Ăn liên tục vài tuần.
Tác dụng: Thanh phế, trừ đờm, giảm ho; thích hợp với các chứng phế nhiệt ho có đờm.
2.7 Cháo thiên môn đông
Nguyên liệu: Thiên môn đông 20g, gạo100g, một ít đường phèn.
Cách làm: Thiên môn đông rửa sạch, ngâm nước một giờ, cho vào nồi nấu 30 phút, lọc lấy nước. Gạo đãi sạch, đổ vào nước thuốc, thêm nước nấu cháo chín nhừ, cho đường phèn vào khuấy tan.
Cách dùng: Ăn liền vài tuần.
Tác dụng: Nhuận phế, sinh tân dịch; thích hợp với những người cơ thể mệt mỏi, ho có đờm, cổ họng sưng đau.
3. Phòng bệnh cúm như thế nào?
Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để phòng bệnh và tránh lây nhiễm cho người khác.
Thường xuyên lau sạch, vệ sinh các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, phòng làm việc, phòng học...
THEO SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG