Gánh nặng của bệnh tâm thần phân liệt
24.11.2022

Gánh nặng xã hội và kinh tế

Mặc dù là một rối loạn có tỷ lệ mắc tương đối thấp, tuy nhiên tâm thần phân liệt được xếp vào danh sách 25 nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật. Ngay cả khi có những phương pháp điều trị tốt nhất, hiệu quả điều trị thường dưới mức tối ưu do sự phức tạp của bệnh và hậu quả của nó thì có phạm vi rộng lớn.

Mặc dù có sự khác biệt đáng kể trong việc phân bổ chi phí và dịch vụ sử dụng cho bệnh tâm thần phân liệt trên toàn thế giới, nhưng gánh nặng kinh tế toàn cầu của bệnh tâm thần phân liệt là rất lớn. Các thành phần chính của chi phí bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe trực tiếp (chi phí điều trị nội trú, chi phí điều trị ngoại trú, thăm khám tại khoa cấp cứu, thuốc kê đơn), chi phí trực tiếp không liên quan đến chăm sóc sức khỏe (thực thi pháp luật, nhà tạm trú cho người vô gia cư) và chi phí gián tiếp (thất nghiệp, mất năng suất làm việc, tử vong sớm, thời gian chăm sóc). Các ví dụ gần đây về các phân tích được thực hiện để ước tính chi phí cho bệnh tâm thần phân liệt bao gồm tổng quan hệ thống các nghiên cứu từ 24 quốc gia ở 4 khu vực (Châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi) nơi chi phí hàng năm dao động từ 94 triệu đến 102 tỷ đô la Mỹ. Trong một nghiên cứu bổ sung của Hoa Kỳ, chi phí ước tính cho bệnh tâm thần phân liệt là 155,7 tỷ đô la cho năm 2013, trong đó nguyên nhân lớn nhất gây ra chi phí vượt mức liên quan đến thất nghiệp (38%), mất năng suất (34%) và chi phí chăm sóc sức khỏe trực tiếp (24%). Chi phí chăm sóc sức khỏe gián tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí vượt mức trong cả hai phân tích này.

Gánh nặng trên con người

Ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt, sự suy giảm chức năng tâm thần và các mối quan hệ xã hội theo thời gian có thể dẫn đến sự cô lập xã hội, sự kỳ thị, suy giảm nhận thức và rối loạn chức năng tồi tệ hơn, giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất kém, điều này tạo ra gánh nặng không chỉ cho những người bị tâm thần phân liệt mà còn cho những những người chăm sóc và gia đình của họ.

Bệnh nhân

Nhiều yếu tố góp phần gây tử vong sớm ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Tuổi thọ trung bình của người bệnh tâm thần phân liệt giảm từ 10-25 năm so với dân số chung. Hơn nữa, một phân tích hồi cứu của Hoa Kỳ cho thấy những người trưởng thành bị tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong cao hơn 3,5 lần so với những người trưởng thành trong dân số chung. Các yếu tố chính liên quan đến tỷ lệ tử vong quá sớm ở bệnh nhân tâm thần phân liệt là lối sống không lành mạnh, sức khỏe thể chất kém, nguy cơ tự tử tăng gấp 12 lần và tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần. Những người bị tâm thần phân liệt không chỉ có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những người khác, bao gồm thừa cân, hút thuốc, huyết áp cao và hội chứng chuyển hóa, mà họ còn ít có khả năng nhận được sự chăm sóc phòng ngừa. Ngoài ra, một số thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai có nhiều khả năng gây tăng cân và kéo theo hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến tỷ lệ tử vong do tim mạch tăng gấp 2 đến 3 lần và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tăng gấp 2 lần. Cho rằng nhiều nguyên nhân gây tử vong sớm quá mức ở bệnh tâm thần phân liệt có liên quan đến các yếu tố rủi ro có thể phòng ngừa được, các mục tiêu điều trị chính cho bệnh nhân tâm thần phân liệt nên bao gồm sức khỏe thể chất tổng thể tốt, cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và thực hành sàng lọc tốt hơn.

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn rất không đồng nhất, với kết quả của bệnh nhân có thể từ phục hồi hoàn toàn đến cần phải chăm sóc toàn diện. Thật không may, phục hồi hoàn toàn trong bệnh tâm thần phân liệt không phải là kết quả thường thấy và bệnh nhân thường bị suy giảm trong các mối quan hệ xã hội, duy trì việc làm và sống độc lập. Ngay cả sau khi bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng loạn thần, tình trạng suy giảm này thường vẫn tồn tại vì hiệu quả phục hồi chức năng phần lớn phụ thuộc vào sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhận thức và âm tính, là những triệu chứng khó điều trị. Đúng như dự đoán, bệnh nhân tâm thần phân liệt có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với dân số chung, liên quan đến thời gian mắc bệnh lâu hơn, các triệu chứng âm tính hoặc trầm cảm, tác dụng phụ của thuốc và thiếu sự hỗ trợ của gia đình. Trong số những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, chất lượng cuộc sống tốt hơn được báo cáo ở những người trẻ tuổi, phụ nữ, những người đã kết hôn và những người có trình độ học vấn thấp hơn. Điều trị bằng thuốc chống loạn thần có khả năng dung nạp tốt và bổ sung các phương pháp điều trị tâm lý xã hội cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng âm tính làm tăng thêm gánh nặng cho bệnh tâm thần phân liệt

Các triệu chứng âm tính được công nhận rộng rãi là yếu tố quan trọng về kết quả tồi tệ trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Chúng mang gánh nặng bệnh tật cao do tính phổ biến, dai dẳng, liên quan đến hiệu quả phục hồi chức năng kém, tăng chi phí do sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao hơn và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Trong các triệu chứng âm tính, thiếu động lực dường như là một trong những yếu tố quan trọng nhất về suy giảm chức năng, với bằng chứng cho thấy thêm khả năng tương tác giữa các triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức liên quan đến sự suy giảm chức năng. Số lượng hạn chế các lựa chọn điều trị hiệu quả cho các triệu chứng âm tính là một nhu cầu y tế nghiêm trọng chưa được đáp ứng làm tăng gánh nặng bệnh tật trong bệnh tâm thần phân liệt.

Người chăm sóc

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường cần nhiều sự giúp đỡ trong việc chăm sóc cá nhân, quản lý sử dụng thuốc và các hoạt động hàng ngày. Các thành viên gia đình chiếm phần lớn trong số những người chăm sóc cho những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Trong một cuộc khảo sát, 68% người chăm sóc được xác định là cha mẹ, 12% là anh chị em ruột, 7% là vợ hoặc chồng hoặc những người quan trọng khác, và 7% là con hoặc cháu của người được họ chăm sóc. Những người chăm sóc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do quá tải công việc nhà, rối loạn giấc ngủ, vấn đề tài chính, ít thời gian rảnh rỗi, kỳ thị và cô lập với xã hội. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người chăm sóc phải chịu gánh nặng đáng kể về nhận thức, tâm lý (lo lắng, trầm cảm), xã hội (kỳ thị, cô lập) và gánh nặng tài chính. Năng suất làm việc và sự nghiệp của người chăm sóc bị ảnh hưởng khi họ phải nghỉ việc hoặc giảm số giờ làm việc để chăm sóc ai đó.

Nguồn: https://schizophrenialife.se/the-burden-of-schizophrenia/