Hơn 50% người cao tuổi tại TP.HCM tăng huyết áp, phòng tránh ra sao?
26.09.2023

Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo được UBND TP.HCM ban hành.

Sở Y tế TP.HCM cho biết người cao tuổi đang sinh sống tại thành phố mắc bệnh tăng huyết áp chiếm 52,27%, kế đến là đái tháo đường (15,03%), hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (2,66%), tiền sử ung thư (1,23%). Trong đó, số người có tiền sử cao huyết áp là 44,83% và mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 7,44%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1,28 tỉ người trưởng thành từ 30 - 79 tuổi trên toàn thế giới bị tăng huyết áp. Mặt khác, có khoảng 46% người lớn bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch của cơ thể. Tăng huyết áp là khi huyết áp quá cao. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và các bệnh lý khác.

Bác sĩ Nguyễn Thái Yên - phó khoa tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa. Những yếu tố nguy cơ hiện nay làm gia tăng số người mắc tăng huyết áp và khiến bệnh trẻ hóa là do lối sống tĩnh lại, lười vận động, ăn uống không lành mạnh, béo phì, rượu bia, thuốc lá, căng thẳng, thói quen ăn mặn...

Những người có tiền căn gia đình mắc phải bệnh tăng huyết áp hoặc mạch vành, thế hệ sau cần phải kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm để thay đổi lối sống.

Để phòng ngừa tăng huyết áp, mỗi người cần vận động thể lực nhiều hơn, mỗi ngày đi bộ, chạy bộ 30 - 45 phút, ưu tiên nhiều cho chế độ ăn có rau và ăn cá. Ngoài ra, cần tập thói quen ăn nhạt như: không chấm muối khi ăn trái cây, hạn chế chấm nước tương, nước mắm với thực phẩm chế biến xào, tập thói quen nêm gia vị nhạt.

TS Trần Hòa - phó trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết thêm đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn người bệnh không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình.

Người bệnh cao huyết áp sẽ được điều trị các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với kiểm soát yếu tố nguy cơ và các bệnh cùng mắc. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Theo bác sĩ Hòa, mỗi người nên nhớ đến việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và chủ động đo huyết áp đúng cách. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn phù hợp, tập luyện đều đặn để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-50-nguoi-cao-tuoi-tai-tp-hcm-tang-huyet-ap-phong-tranh-ra-sao-20230914160100658.htm 

Xem thêm thông tin sản phẩm tại đây.