Polyp mũi: Nguyên nhân, biến chứng và phương pháp điều trị
22.01.2024

Polyp mũi là tổ chức phát triển từ niêm mạc mũi thoái hoá xuất phát từ sự phù nề trong lớp liên kết của niêm mạc, thường là quanh lỗ thông tự nhiên của xoang hàm. 
1. Nguyên nhân gây Polyp mũi 
Các phản ứng viêm nhiễm phù nề do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, dị ứng hoặc cơ thể phản ứng miễn dịch chống lại các vi nấm dẫn đến thoái hoá đa ổ của niêm mạc mũi xoang. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hình thành polyp mũi. Một số bệnh lý dưới đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ tạo nên polyp mũi:

  • Viêm xoang mạn tính hay tái phát
  • Viêm xoang dị ứng
  • Hen suyễn
  • Xơ nang
  • Nhạy cảm với các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
  • Hội chứng Churg - Strauss

Polyp mũi

2.   Triệu chứng - Biến chứng của Polyp mũi 
2.1 Triệu chứng Polyp mũi 

Polyp mũi thường xuất hiện dưới dạng khối u nhỏ, mềm, nhẵn và thường không đau. Polyp mũi nhỏ thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc ít có dấu hiệu. Tuy nhiên, với trường hợp Polyp kích thước lớn, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: nghẹt mũi kéo dài, sổ mũi, nhức đầu, đau mặt, khứu giác giảm hoặc mất, rối loạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.
2.2 Biến chứng Polyp mũi 
Bệnh polyp mũi nếu không điều trị triệt để có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Polyp mũi gây tắc nghẽn mũi dẫn đến giấc ngủ kém và mệt mỏi mạn tính
  • Polyp mũi làm giảm và mất khứu giác, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống
  • Polyp mũi có thể làm tắc nghẽn đường dẫn lưu của các xoang cạnh mũi tạo điều kiện hình thành các u nhầy. U nhầy có thể là nguyên nhân gây chèn ép các cấu trúc hốc mắt, gây lồi mắt, nhìn đôi và gây mất khứu giác không thể phục hồi
  • Mũi bị polyp cũng có thể góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Polyp mũi làm giảm chất lượng cuộc sống

3.  Điều trị Polyp mũi 
3.1 Điều trị nội khoa 

Điều trị nội khoa thường được chỉ định với những trường hợp polyp nhỏ với các phương pháp chính như:

  • Corticosteroid xịt mũi: để giảm phản ứng viêm, tăng lưu thông khí qua mũi, đồng thời làm teo nhỏ polyp. 
  • Dùng các loại thuốc chống nhiễm trùng và dị ứng: để làm giảm tình trạng nghẹt mũi, giúp người bệnh dễ chịu hơn.
  • Dùng các loại thuốc kháng nấm với các trường hợp viêm xoang mạn nhiễm vi nấm.

3.2 Điều trị ngoại khoa 
Khi điều trị bằng các loại thuốc không đáp ứng, phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi sẽ là phương pháp tiếp theo.
4. Phòng ngừa Polyp mũi 
Polyp mũi hoàn toàn có thể tái phát sau phẫu thuật nếu người bệnh không chăm sóc cẩn thận. Để ngăn ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh cần:

  • Dùng thuốc xịt corticosteroid theo chỉ định để giảm viêm.
  • Giữ độ ẩm môi trường sống. Hạn chế ở trong không khí khô. 
  • Vệ sinh mũi đúng cách bằng nước muối sinh lý. Xịt và rửa mũi thường xuyên để làm ẩm đường mũi, ngăn ngừa viêm nhiễm. 
  • Tránh tiếp xúc với các nguồn làm kích ứng mũi như: bụi, khói thuốc, mảnh vụn, ô nhiễm, phấn hoa… 
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đặc biệt là với bệnh nhân có bệnh hen suyễn và dị ứng. Điều trị dứt điểm hen suyễn.