Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng
11.08.2023

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo.

Nhiều trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo

Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 54.236 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (138.928/75) số mắc sốt xuất huyết giảm 61%, số trường hợp tử vong giảm 63 trường hợp.

Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" do Bộ Y tế vừa ban hành được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào tử vong.

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.

Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C  cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

- Cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.

- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.

- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

- Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra.

- Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.

- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống