Sốt xuất huyết dengue 2023 đang là gánh nặng toàn cầu
20.07.2023

Sốt xuất huyết dengue là một bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra và bệnh lan truyền từ người sang người chủ yếu thông qua muỗi nhiễm virus đốt. Có khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết dengue và hằng năm ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc trên toàn cầu.

Cập nhật thông tin toàn cầu 2023 của WHO về thông tin sốt xuất huyết dengue cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết dengue đã gia tăng đáng kể trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, tăng từ 505.430 trường hợp mắc trong năm 2000 lên đến 5,2 triệu trường hợp mắc năm 2019.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết dengue là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và tự điều trị tại nhà, do vậy số trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue thực tế không được báo cáo đầy đủ. Nhiều trường hợp cũng bị chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt khác.

Sốt xuất huyết đang lan sang các khu vực mới bao gồm cả châu Âu và dịch bùng phát đang xảy ra. Sự lan truyền tại chỗ được báo cáo lần đầu tiên ở Pháp và Croatia vào năm 2010 và các trường hợp mắc được nhập cảnh và phát hiện ở 3 quốc gia châu Âu khác. Số ca mắc sốt xuất huyết dengue lớn nhất từng được báo cáo trên toàn cầu là vào năm 2019. Tất cả khu vực đều bị ảnh hưởng và lần đầu tiên lây truyền sốt xuất huyết được ghi nhận ở Afghanistan.

Khu vực châu Mỹ báo cáo 3,1 triệu trường hợp mắc, với hơn 25.000 trường hợp nặng. Một số lượng lớn các trường hợp mắc cũng đã được báo cáo ở Bangladesh (101.000 ca), Malaysia (131.000 ca), Philippines (420.000 ca), Việt Nam (320.000 ca) ở châu Á. Sốt xuất huyết tiếp tục ảnh hưởng đến các quốc gia gồm Brazil, Colombia, Quần đảo Cook, Fiji, Ấn Độ, Kenya, Paraguay, Peru, Philippines, Quần đảo Reunion và Việt Nam kể từ năm 2021.

Sốt xuất huyết dengue được tìm thấy phổ biến ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, bệnh phổ biến ở các khu vực đô thị và bán đô thị. Có nhiều trường hợp nhiễm virus dengue không có triệu chứng hoặc chỉ gây bệnh nhẹ, trong một số trường hợp nhiễm virus dengue có thể gây ra các trường hợp bệnh nặng hơn và thậm chí tử vong.

Công tác phòng chống sốt xuất huyết dengue phụ thuộc vào kiểm soát vector truyền bệnh. Do hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, do vậy phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng gây ra.

Sốt xuất huyết dengue không có triệu chứng và dễ nhầm với các bệnh sốt khác. Hầu hết những người mắc sốt xuất huyết dengue có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và sẽ phục hồi dần, khỏe lại hơn sau 1-2 tuần. Hiếm khi bệnh sốt xuất huyết dengue có thể nặng và dẫn đến tử vong. Nếu có các triệu chứng xảy ra thì chúng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 sau khi nhiễm virus dengue và kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Các triệu chứng lâm sàng có thể bao gồm: sốt cao (40oC), đau đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và nôn, phát ban, …

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết dengue

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dengue hoạt động vào ban ngày. Để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách bảo vệ cá nhân tránh bị muỗi đốt bằng cách sử dụng:

- Quần áo che cơ thể càng nhiều càng tốt

- Ngủ màn vào ban ngày

- Cửa sổ làm rèm

- Các hóa chất chống muỗi đốt

- Nhang muỗi

Nếu bạn bị sốt xuất huyết, điều quan trọng là:

- Cần nghỉ ngơi

- Uống nhiều nước

- Có thể sử dụng acetaminophen để giảm đau

- Tránh các thuốc chống viêm như ibuprofen và aspirin

- Theo dõi các triệu chứng nghiêm trọng và liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường.

Cho đến nay, có một loại vaccine (Dengvaxia) đã được phê duyệt và cấp phép sử dụng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, chỉ những người có bằng chứng đã nhiễm sốt xuất huyết trước đó thì mới có thể được bảo vệ bằng vaccine này.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/