Tăng huyết áp hay cao huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg – Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.
Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.
Đa phần bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng bệnh có xác định nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Vì vậy để phòng bệnh tăng huyết áp nên cố gắng hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh THA sẽ được đề cập dưới đây:
1. Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy rằng bệnh tăng huyết áp có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp nói riêng hay các bệnh lý tim mạch khác nói chung sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn người bình thường.
Các đối tượng này cần tích cực thăm khám để phát hiện sớm nhằm phòng tránh bệnh tăng huyết áp và các biến cố tim mạch.
2. Tuổi cao
Khi tuổi càng cao, thành mạch máu càng lão hóa và xơ vữa, giảm khả năng đàn hồi nên áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên. Từ đó, huyết áp ở người lớn tuổi sẽ tăng cao hơn.
Theo đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của căn bệnh tăng huyết áp.
Tuy nhiên, nếu biết cách hạn chế được các yếu tố làm tăng huyết áp khác sẽ phần nào giúp ổn định được huyết áp bền vững theo thời gian.
Hình ảnh mang tính minh hoạ
3. Rối loạn lipid máu
Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là lipid máu. Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây THA.
Vì vậy thực hiện lối sống và chế độ ăn kiểm soát lipid máu là vô cùng cần thiết, bằng cách giảm tiêu thụ các chất béo không lành mạnh (chất béo có trong thịt đỏ, những sản phẩm sữa nguyên chất béo, nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản,...). Thay vào đó, tăng cường bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày là một cách trì hoãn xơ cứng mạch máu, ổn định huyết áp.
4. Tình trạng thừa cân, béo phì
Cân nặng của cơ thể cũng có mối tương quan với chỉ số huyết áp. Đặc biệt là bệnh lý này phát hiện với tỷ lệ khá cao trong nhóm dân số thừa cân – béo phì.
Như vậy, song song với việc tập luyện thể lực, cần phải chú ý duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hình thành thói quen đo cân nặng mỗi ngày để tìm cách giảm cân khi phát hiện dư cân.
5. Chế độ ăn mặn
Chế độ ăn càng nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh THA càng cao. Lượng muối khuyến cáo trong bữa ăn của một người bị tăng huyết áp là không vượt quá 6 gam một ngày, tức tương đương một thìa cà phê.
Chế độ ăn nhạt là một cách quan trọng giúp phòng tránh và điều trị tăng huyết áp.
Hình ảnh mang tính minh hoạ
6. Hút thuốc lá
Trong thuốc lá có nhiều chất kích thích đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp.
Hơn thế nữa, mối nguy hại đến từ thuốc lá không chỉ tác động trên cá nhân người hút thuốc mà cả những người xung quanh hít phải khói thuốc, đặc biệt là người già và trẻ em.
Vì thế, thói quen hút thuốc lá cần kiên quyết từ bỏ, nhằm giữ sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng.
7. Uống nhiều rượu, bia
Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị THA thì uống rượu, bia quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp như vậy làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn.
8. Căng thẳng, lo âu quá mức
Căng thẳng thần kinh, stress làm tăng nhịp tim. Bên cạnh đó, dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là adrenalin và noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến THA.
Vì thế, để phòng bệnh tăng huyết áp, cần phải sắp xếp thời gian hợp lý, làm việc khoa học, nghỉ dưỡng phù hợp, học cách thư giãn, giải toả căng thẳng.
9. Tiểu đường
Ở người mắc bệnh đái tháo đường, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp cao gấp đôi so với người không bị tiểu đường. Khi xuất hiện cả bệnh tăng huyết áp và tiểu đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong. Vì vậy, nếu bị bệnh tiểu đường cần điều trị tốt bệnh này sẽ góp phần khống chế được bệnh tăng huyết áp kèm theo.
Xem thêm sản phảm tại đây.