Trong số các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, tỉ lệ mắc hen phế quản là 10%, gấp đôi tỉ lệ ở người lớn và ngày càng tăng trong 5 năm gần đây. Riêng ở trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ này lại càng cao.
Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường thở, rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Nếu trẻ bị hen suyễn tiếp xúc với các chất kích thích đường thở - chủ yếu là phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn, khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.
Theo TS. BS Lê Thị Thu Hương - Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen, trong đó 2 nguyên nhân dễ làm nổi phát cơn hen cấp ở trẻ là yếu tố dị nguyên và nhiễm virus.
Trong khi đó, nhiễm virus hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi bởi lúc đó hệ miễn dịch của các bé chưa trưởng thành. Đó là lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em cao hơn người lớn. Bên cạnh đó, đường thở của trẻ đang hình thành, kích thước đường thở của trẻ cũng nhỏ hơn so với người lớn. Chỉ cần một viêm nhẹ cũng dẫn đến tình trạng co thắt, đường thở nhỏ lại, dễ gây ra tiếng rít, tiếng khò khè đúng như triệu chứng của hen phế quản.
Đáng nói, do hen phế quản là bệnh mãn tính nên rất khó để điều trị bệnh khỏi dứt điểm, bởi ngay cả khi trẻ không có triệu chứng bệnh thì tình trạng viêm nhiễm vẫn diễn ra âm thầm. Nếu không được kiểm soát hen triệt để, trẻ mắc hen với những tổn thương phổi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chức năng phổi suy giảm đến mức không thể phục hồi.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Đại Đoàn Kết.