Có nên tập thể dục trong thời kỳ kinh nguyệt không?
16.08.2022

Trong thời kỳ kinh nguyệt, một số người thường gặp các triệu chứng bao gồm đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi và đau đầu… Tập thể dục có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác mệt mỏi, đau bụng kinh và đau lưng.

‏Một nghiên cứu năm 2018 đã cho thấy những người tập thể dục 30 phút trong 3 ngày mỗi tuần sẽ ít bị đau bụng kinh hơn so với những người không tập thể dục. Không nhất thiết phải hoạt động thể chất mạnh mẽ, việc duy trì thói quen đi bộ 15 phút mỗi ngày cũng có thể mang lại lợi ích. 

1. Bài tập thể dục trong kỳ kinh nguyệt

1.1 Đi bộ

Đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đây cũng là bài tập an toàn nhất dành cho chị em trong ngày đèn đỏ. ‏

‏Theo Leada Malek, một nhà trị liệu thể thao tại Mỹ, trong thời kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi nội tiết tố estrogen/progesterone trong cơ thể khiến bạn mệt mỏi, thiếu năng lượng. Đi bộ sẽ làm giảm căng thẳng, mệt mỏi và giúp điều hòa cảm xúc hiệu quả. ‏

‏Dành 30 phút mỗi ngày đi bộ cũng là cách giảm đầy hơi trong thời kỳ kinh nguyệt. Khi đi bộ, bạn nên cân nhắc lựa chọn tốc độ di chuyển sao cho phù hợp với thể trạng, không nên đi quá lâu, tập quá sức. 

1.2 Yoga

Các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng như yoga có thể giảm căng thẳng, cải thiện lưu lượng máu và giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, tập yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp duy trì vóc dáng cân đối, tinh thần thư thái. ‏

‏Quá trình tập yoga sẽ giúp cơ thể đổ mồ hôi, giải phóng hormon endorphin, từ đó giảm cơn đau bụng kinh. Các bài tập yoga chủ yếu cần đến sự dẻo dai của cơ thể, vì thế không đòi hỏi người tập phải vận động mạnh, đây chính là yếu tố quan trọng được nhiều chị em lựa chọn tập yoga trong thời kỳ kinh nguyệt của mình. ‏

1.3 Pilates

Tương tự như yoga, các bài tập pilates cũng không đòi hỏi người tập phải dùng nhiều sức lực, vận động mạnh. Một số nghiên cứu đã chứng minh tập pilates giúp chị em giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt PMS (dễ bị kích thích, lo lắng, đau ngực, đau đầu…) và giảm căng thẳng tốt hơn so với bộ môn aerobic. 


1.4 Cardio nhẹ nhàng‏

Trong những ngày đèn đỏ, bạn có thể thực hiện các bài tập cardio nhẹ nhàng. Việc tập cardio thường xuyên sẽ làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng, mệt mỏi, đầy hơi, tức ngực… Nếu chăm chỉ tập cardio ít nhất 3 - 4 buổi/tuần thì bạn sẽ nhận thấy những triệu chứng trên thuyên giảm đáng kể. 

2. Lưu ý khi tập thể dục trong thời kỳ kinh nguyệt‏

Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ thường nhạy cảm hơn bình thường. Do đó bạn nên chú ý lắng nghe cơ thể mình. Khi cảm thấy mệt mỏi, bạn nên cắt giảm mức độ luyện tập, tránh những tác động không tốt đến cơ thể.‏

‏Tránh những bài tập mạnh, quá sức dẫn đến tác động xấu cho cơ thể; duy trì những bài tập nhẹ nhàng...‏

‏Tập thể dục có thể khiến lượng máu kinh ra nhiều hơn, bạn nên sử dụng băng vệ sinh dạng ống (tampon) hoặc cốc nguyệt san, thay thế cho băng vệ sinh thông thường để ngăn chặn việc máu kinh tràn ra ngoài. ‏

‏Uống đầy đủ nước để tránh kiệt sức trong quá trình tập luyện. Hơn nữa, nghiên cứu đã cho thấy việc uống nước cũng có thể giảm đau bụng kinh.‏

‏Hạn chế tiêu thụ thức ăn và đồ uống có caffeine. Những loại thực phẩm này có thể làm tăng thêm các triệu chứng lo lắng, căng thẳng, đau nhức ngực ở phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt. Thay vào đó, nên lựa chọn các loại trà thảo mộc tốt cho sức khỏe về lâu dài.

 

THEO SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG