Ăn mặn có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn HP và các hợp chất gây ung thư dạ dày.
Theo Bộ Y tế, một số điều tra trong nước về dinh dưỡng cho thấy người Việt Nam đang ăn khoảng 12-15 gam muối/ngày, cao gấp 2-3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
WHO đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo: Người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn dưới 5gr muối/ngày. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ăn dưới 1gr muối/ngày. Trẻ từ 1-3 tuổi ăn 3gr muối/ngày. Trẻ trên 7 tuổi thì ăn lượng muối như người trưởng thành. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, ăn mặn kéo dài là thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Nồng độ muối cao còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP xâm nhập vào dạ dày, phát triển nhanh và hoạt động mạnh hơn. Trong môi trường mặn, các vi khuẩn này có thể tự điều chỉnh, làm tăng sự biểu hiện của loại protein gây ung thư (cagA) trong chuỗi ADN của hệ gene.
Ngoài ra, chế độ ăn mặn, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn như cá thịt ướp muối, thịt xông khói, thực phẩm có nhiều chất béo, cholesterol và hàm lượng nitrat, nitrit cao cũng thúc đẩy hình thành các hợp chất N-nitroso. Hợp chất này khi tác dụng với các amin trong cơ thể có thể gây biến đổi chất, đột biến gen, dẫn đến ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày.
Thói quen ăn mặn xuất phát từ việc nêm nếm thức ăn với nước mắm, muối, bột nêm hoặc sở thích ăn thực phẩm, hoa quả kèm theo các loại nước chấm, muối chấm. Điều này khiến cơ thể nạp lượng muối nhiều hơn mức cần thiết. Để bảo vệ dạ dày, mọi người cần hạn chế sử dụng muối trong các bữa ăn.
Nếu trong bữa ăn có nhiều món đã chế biến với các loại gia vị, tốt nhất gia đình không nên để thêm bát nước chấm hoặc gia vị trên mâm cơm. Nếu cần dùng nước chấm, nên pha loãng và gia giảm thêm một số gia vị khác như chanh, tiêu, tỏi, ớt... Cách này giúp giảm độ mặn nhưng vẫn ngon miệng. Các sản phẩm từ sữa, bánh mì, thịt và động vật có vỏ đều chứa một lượng muối nhất định. Trong quá trình chế biến món ăn, người dùng nên điều chỉnh lượng mắm muối phù hợp để tránh trường hợp thức ăn quá mặn.
Theo lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng, các gia đình có thể nêm nếm thức ăn bằng các loại thảo mộc và gia vị khác như bột ớt, lá hương thảo, tỏi, cỏ xạ hương thay vì muối. Chọn đồ ăn nhẹ không ướp muối hoặc thành phần có hàm lượng muối từ 5% trở xuống. Hạn chế nêm thêm mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn, thay đổi thói quen chấm trái cây với các loại muối tôm, muối bột canh, muối ớt, muối phô mai... khi ăn cũng là cách đơn giản giúp giảm tiêu thụ muối.
Ngoài ra, cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Những chất có trong khói thuốc lá gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày. Đồng thời mỗi người nên bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý với chế độ ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, E.
Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm cũng là việc cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu có bệnh. Ung thư dạ dày có thể phát hiện sớm bằng phương pháp nội soi tầm soát do các triệu chứng nhận biết sớm không đặc trưng.
Ngoài xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và vận động hợp lý, người từ 40 tuổi có tiền sử mắc các bệnh dạ dày hoặc gia đình có người ung thư dạ dày, béo phì, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia nên nội soi dạ dày định kỳ để đề phòng nguy cơ mắc bệnh.
Ăn nhiều muối cũng có thể làm tăng huyết áp, huyết áp tăng là yếu tố chính gây ra đột quỵ, suy tim và đau cơ tim… Do đó, giảm lượng muối trong chế độ ăn hằng ngày là việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe do thói quen ăn mặn gây ra.
Nguồn: https://vnexpress.net/
Xem thêm thông tin sản phẩm tại đây.