Những yếu tố nguy cơ nào làm tăng huyết áp?
30.12.2023

Huyết áp không phải luôn ổn định ở một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc của chúng ta tại thời điểm đó. Thậm chí chỉ cần một hoạt động nhỏ như thay đổi vị trí, đứng lên ngồi xuống, uống cà phê hay hút thuốc lá, ăn mặn, bị xúc động... cũng sẽ làm tăng huyết áp.

Huyết áp là áp lực máu trong động mạch, là một thông số nhận biết tình hình sức khỏe. Chỉ số tăng huyết áp là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp:

Chế độ ăn nhiều muối

Ăn nhiều muối là yếu tố rất thường gặp làm tăng huyết áp trong đời sống cộng đồng. Lượng muối khuyến cáo trong bữa ăn của một người bị tăng huyết áp là không vượt quá 6 gam một ngày, tức tương đương một thìa cà phê. Chính vì thế, chế độ ăn nhạt là một cách quan trọng giúp phòng tránh và điều trị tăng huyết áp. Với những người trong giai đoạn tiền tăng huyết áp, chỉ cần ăn nhạt hơn, bớt nêm nếm thêm gia vị cũng có thể giữ được huyết áp ổn định. Với những người đã mắc bệnh, chế độ này giúp giảm được huyết áp trung bình từ 4 đến 8 mmHg.

- Rối loạn lipid máu

 Khi nồng độ mỡ trong máu cao, hệ thống động mạch luôn phải chịu áp lực dòng máu lớn, lớp nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương và xơ cứng, lắng đọng các mảng xơ vữa, giảm mất khả năng đàn hồi, từ đó làm tăng huyết áp. Vì vậy thực hiện lối sống và chế độ ăn kiểm soát lipid máu là vô cùng cần thiết, bằng cách giảm tiêu thụ các chất béo không lành mạnh, bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày là một cách trì hoãn xơ cứng mạch máu, ổn định huyết áp.

- Tuổi tác

 Khi tuổi càng cao, thành mạch máu càng lão hóa và xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi nên áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên. Từ đó, huyết áp ở người lớn tuổi sẽ cao hơn lúc còn trẻ. Theo đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của căn bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu biết cách hạn chế được các yếu tố làm tăng huyết áp khác sẽ phần nào giúp ổn định được huyết áp bền vững theo thời gian.

- Tiền sử gia đình

 Nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy rằng con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh tăng huyết áp nói riêng hay các bệnh lý tim mạch khác nói chung sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn người bình thường. Như vậy, tương tự tuổi tác, tiền căn gia đình cũng là yếu tố không xóa bỏ được. Các đối tượng này cần tích cực thăm khám để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp và phòng tránh các biến cố tim mạch trước khi để xảy ra một cách đáng tiếc.

- Lối sống lười vận động

 Những người có thói quen vận động thường xuyên sẽ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa và tiêu thụ cholesterol. Nếu ít vận động, nguy cơ bị rối loạn lipid máu sẽ tăng lên, giảm dung nạp đường gây đái tháo đường và gián tiếp làm tăng huyết áp. Do đó, trong chế độ điều trị tăng huyết áp, bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần, tránh ngồi liên tục trong thời gian dài.

- Hút thuốc lá

Trong đó, hệ tim mạch chịu tổn thương nhiều nhất. Chính chất nicotin của thuốc lá gây hưng phấn thần kinh, thúc đẩy cường giao cảm, gây co mạch và tăng huyết áp. Hơn thế nữa, mối nguy hại đến từ thuốc lá không chỉ tác động trên cá nhân người hút thuốc mà cả những người xung quanh hít phải khói thuốc, đặc biệt là người già và trẻ em.

- Uống quá nhiều bia rượu

 Giống như nicotin trong thuốc lá, chất cồn cũng là một độc tố của hệ tim mạch. Nồng độ cồn quá cao trong máu làm ảnh hưởng các quá trình chuyển hóa, làm tăng lipid máu, làm tổn thương hệ mạch, gây ra các bệnh lý tim mạch, trong đó có cả tăng huyết áp. Tuy nhiên, không như hút thuốc lá, bia rượu không được khuyến cáo phải kiêng tuyệt đối mà cần sử dụng với liều lượng có kiểm soát.

Như vậy, ngoài việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp, việc phòng tránh các yếu tố nêu trên cũng là một điều quan trọng cần lưu ý để giữ ổn định huyết áp. Thường xuyên đo huyết áp tại nhà để biết được tình trạng sức khỏe và có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Xem thêm thông tin sản phẩm tại đây