Probiotics là gì?
Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là "vi sinh vật sống khi được sử dụng với lượng vừa đủ sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ".Chúng được mệnh danh là “vi khuẩn tốt bụng” bởi vì giúp bảo vệ cơ thể, chống lại một số các vi khuẩn có hại, nấm và siêu vi. Khi probiotics được sử dụng (ăn hoặc uống) một cách thường xuyên với số lượng đầy đủ sẽ tạo ra những ảnh hưởng có lợi lên sức khoẻ con người đặc biệt là hệ tiêu hoá. Chúng hiện diện trong yaourt (sữa chua), sữa, pho mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo, các thứ mắm…
Mặc dù mọi người thường nghĩ vi khuẩn và các vi sinh vật khác là “mầm bệnh” có hại, nhưng nhiều vi khuẩn thực sự hữu ích. Một số vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn, tiêu diệt các tế bào gây bệnh hoặc sản xuất vitamin. Nhiều vi sinh vật trong các sản phẩm men vi sinh giống hoặc tương tự như các vi sinh vật sống tự nhiên trong cơ thể chúng ta.
Mức độ phổ biến của Probiotics
Theo khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey - NHIS) năm 2012 cho thấy khoảng 4 triệu (1,6 phần trăm) người Mỹ trưởng thành đã sử dụng probiotic trong 30 ngày qua. Ở người trưởng thành, probiotic là chất bổ sung chế độ ăn uống được sử dụng phổ biến thứ ba ngoài vitamin và khoáng chất. Việc người lớn sử dụng men vi sinh tăng gấp bốn lần từ năm 2007 đến năm 2012. NHIS năm 2012 cũng cho thấy 300.000 trẻ em từ 4 đến 17 tuổi (0,5%) đã sử dụng probiotic trong 30 ngày trước cuộc khảo sát.
Probiotics có thể hoạt động như thế nào?
Probiotics có thể có nhiều tác dụng trong cơ thể, và các loại probiotic khác nhau có thể hoạt động theo những cách khác nhau.
Probiotics có thể: Làm giảm tỷ lệ mắc và giảm thời gian tiêu chảy ở trẻ em lẫn người lớn; Loại trừ và kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn có hại. Giúp cơ thể cân bằng và duy trì một hệ vi sinh vật đường ruột lành mạnh; Tăng cường khả năng hấp thu của hệ tiêu hoá, giảm thiểu những rối loạn tiêu hoá bởi điều trị kháng sinh; Chống táo bón; Chống đầy hơi; Nâng cao sức đề kháng…
Với những ích lợi như trên, đặc biệt đối với trẻ em, những thay đổi này được xem là có tác dụng tích cực, giúp hạn chế các bệnh tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu chảy do không dung nạp được lactose trong sữa, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể.
Nguồn:
1. Theo Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố
2. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH)