Thời tiết chuyển mùa, bệnh mày đay dễ xuất hiện
07.01.2023

Nguyên nhân gây bệnh mày đay

Nguyên nhân gây nên bệnh mày đay rất phức tạp nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa, dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích (nóng, lạnh đột ngột, một số thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán hoặc do tăng tiết chất cholin). Ngoài ra, bệnh mày đay có thể do di truyền. Sự xuất hiện bệnh mày đay là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ. 

Triệu chứng

Bệnh mày đay thường có 2 loại, cấp tính và mạn tính:

Mày đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ trên vùng da nào, niêm mạc nào của cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng hoặc đỏ, phù nề và rất ngứa. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mày đay và chính ngứa làm cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là trẻ nhỏ (gãi nhiều, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, ngủ kém...). Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa.

Không những thế, bệnh mày đay mạn tính thường xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần trong tuần, trong tháng hoặc trong năm. Mày đay mạn tính gặp nhiều dạng khác nhau như dạng thành vòng, dạng thành vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước.


Nguyên tắc điều trị

Khi nghi ngờ bị bệnh mày đay nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định, điều trị và đề phòng biến chứng. Dùng thuốc kháng histamin nhất là các loại kháng histamin tổng hợp, việc điều trị các bệnh dị ứng, đặc biệt là bệnh mày đay có hiệu nghiệm hơn hẳn. Tuy vậy, dùng loại gì cho đối tượng nào cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.



Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống.