Nghiên cứu mới chỉ rõ vì sao nhiều người tiếp xúc gần với F0 mà không bị nhiễm COVID-19
11.03.2022

Mới đây nhất, trên tạp chí Nature đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học London (Anh) lý giải nguyên nhân vì sao một số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù tiếp xúc với F0.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân một số người không bị dương tính mặc dù đã tiếp xúc gần với F0 có thể là nhờ phản ứng của tế bào T- tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các tế bào T chống lại được virus SARS-CoV-2 là nhờ có thể nhận ra chúng từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đây. Tuy nhiên, phải đến công trình khoa học này đã chỉ rõ các tế bào T ảnh hưởng đến khả năng bị lây nhiễm khi một người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

"Tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến việc bị lây nhiễm. Chúng tôi phát hiện ra rằng, nồng độ cao của các tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các loại virus corona khác ở người, có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm COVID-19". Tác giả trích dẫn lời Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim & Phổi Quốc gia của Hoàng gia Anh (tác giả chính của nghiên cứu).

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 52 tình nguyện viên bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 (trong nhà có người bị mắc Covid-19) và xét nghiệm lại vào thời điểm 4 và 7 ngày sau, để xác định xem họ có bị lây nhiễm hay không (đã được khẳng định bằng xét nghiệm PCR). Kết quả là âm tính. Những người tham gia nghiên cứu cũng có thể họ đã từng phơi nhiễm với các loại virus thuộc họ corona như virus gây bệnh cảm lạnh thông thường trước đây.

Lý giải cho điều này, Giáo sư Ajit Lalvani, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho đến nay rằng, các tế bào T chống lại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường đóng vai trò bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2". Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, ở một số người đã kích hoạt các tế bào T ghi nhớ những bệnh trước đây, qua đó phản ứng được với virus.

Các tế bào T nhắm mục tiêu vào các protein bên trong virus SARS-CoV-2 thay vì các gai trên bề mặt của chúng để chống lại sự lây nhiễm.

Việc một người có nhiễm bệnh sau khi phơi nhiễm với Covid-19 hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tải lượng virus mà người đó tiếp xúc, các điều kiện môi trường, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể và nồng độ kháng thể có trong máu (thông qua tiêm chủng). 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội mọi người vẫn nên hạn chế tiếp xúc với người khác khi đang nhiễm bệnh, đeo khẩu trang nơi công cộng và xét nghiệm ngay khi đã tiếp xúc hoặc có thể tiếp xúc với 1 người mắc Covid-19 hoặc nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế