Thuốc chống loạn thần còn được gọi là thuốc an thần, là nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng thuốc:
1. Thuốc chống loạn thần có an toàn không?
Tất cả các loại thuốc chống loạn thần đều là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Thuốc nói chung là an toàn, nhưng không có một loại thuốc nào phù hợp với tất cả mọi người.
Có một số tình huống cần được cân nhắc khi dùng thuốc chống loạn thần, bao gồm: Người bị động kinh, đái tháo đường, trầm cảm, nhược cơ, bệnh Parkinson, bệnh tăng nhãn áp hoặc mắc các vấn đề về tim, gan, hô hấp, thận hoặc tuyến tiền liệt, phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc muốn có thai.
Thuốc chống loạn thần cũng có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người. Hầu hết các tác dụng phụ biến mất sau một thời gian ngắn và thường những tác dụng phụ này có thể được kiểm soát thành công.
2. Thuốc chống loạn thần có gây nghiện không?
Thuốc gây nghiện tạo ra trạng thái hưng phấn, ham muốn mãnh liệt để tiếp tục dùng và cần phải tăng lượng dùng để cảm nhận tác dụng tương tự. Thuốc chống loạn thần không có những tác dụng này.
Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần có thể gây ra hiệu ứng cai nghiện nếu ngừng dùng thuốc, đặc biệt nếu ngừng dùng thuốc đột ngột. Những tác dụng này có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt và run. Nếu cần phải giảm liều thuốc chống loạn thần hoặc ngừng dùng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chỉ dẫn phù hợp và phải ngừng thuốc từ từ.
3. Thuốc chống loạn thần có tương tác với các loại thuốc khác không?
Thuốc chống loạn thần có thể tương tác với các loại thuốc khác bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thuốc thảo dược. Các thuốc có thể gây tương tác nguy hiểm khi dùng cùng thuốc loạn thần bao gồm thuốc ngủ, thuốc dị ứng, thuốc cao huyết áp, một số thuốc điều trị bệnh Parkinson và rối loạn cương dương…
Ngoài ra, thuốc kháng axit có thể cản trở sự hấp thụ thuốc chống loạn thần và làm giảm tác dụng của thuốc. Để hạn chế tương tác bất lợi này cần uống thuốc kháng axit cách hai giờ trước khi uống thuốc hoặc một giờ sau khi uống thuốc an thần. Vì vậy cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng.
4. Có được hút thuốc, uống cà phê hoặc rượu trong khi dùng thuốc chống loạn thần?
Các vấn đề liên quan đến hút thuốc và uống rượu phổ biến hơn ở những người bị tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, thuốc lá và rượu có thể khiến việc kiểm soát các triệu chứng tâm thần phân liệt trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, thuốc lá có thể tăng tốc độ phân hủy một số thuốc chống loạn thần, có nghĩa là những người hút thuốc có thể cần liều cao hơn những người không hút thuốc. Cà phê có tác dụng ngược lại, làm chậm sự phân hủy của thuốc chống loạn thần. Thuốc chống loạn thần có thể làm tăng tác dụng của rượu, buồn ngủ và chóng mặt.
5. Thuốc chống loạn thần có ảnh hưởng đến ham muốn chức năng tình dục không?
Thuốc chống loạn thần có thể làm giảm ham muốn tình dục và gây ra các vấn đề tình dục. Một số nam giới gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng hoặc xuất tinh. Phụ nữ có thể không đạt cực khoái. Nếu gặp những tác dụng phụ này, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để có thể thay đổi liều lượng hoặc thay thế thuốc để giảm bớt tác dụng phụ.
Ngoài ra, thuốc chống loạn thần có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và tạo ra kết quả dương tính giả khi thử thai.
6. Các xét nghiệm cần làm khi điều trị bằng thuốc?
Một số loại thuốc chống loạn thần có thể gây ra những thay đổi về mức đường huyết, mức cholesterol và chức năng tim. Để theo dõi những tác động này, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe thể chất của người bệnh.
Người bệnh cần được đo cân nặng thường xuyên, cũng có thể cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra thận, gan, mức cholesterol, glucose. Đo huyết áp, kiểm tra điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim và được cho dùng thuốc nhuận tràng để kiểm soát táo bón.
Việc sử dụng thuốc chống loạn thần kết hợp với các liệu pháp điều trị và hỗ trợ khác có thể giúp đối phó với các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.