Dopamine ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
18.08.2023

Dopamine ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thể chất và tinh thần của con người. Thiếu dopamine có thể gây ra một số bệnh lý tiêu biểu như Parkinson, béo phì, trầm cảm. Trong khi đó, thừa dopamine cũng ảnh hưởng không ít, một trong số đó là tâm thần phân liệt.

Dopamine và tác dụng của nó

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh được sản xuất với nồng độ lớn trong các hoạt động thú vị nhằm mục đích truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh. 

Dopamine có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung và sáng tạo của con người. Dopamine hormone thường được sản xuất nhiều khi cơ thể mong muốn được tặng thưởng. Nó kích thích não bộ liên tưởng đến những ham muốn về các sở thích làm bạn cảm giác vui vẻ như ăn uống, mua sắm hoặc hoạt động tình dục. Dopamine không hoạt động riêng biệt mà cùng với các loại chất dẫn truyền thần kinh và hormone khác như serotonin và adrenaline tạo ra các tác động đến sức khỏe tâm lý và thể chất con người.

Dopamine được tạo ra như thế nào?

Là một chất dẫn truyền thần kinh monoamin, dopamine có nguồn gốc từ các axit amin thơm, cụ thể là quá trình chuyển đổi sinh hóa phenylalanine thành tyrosine thành dopamin trong một loạt các bước (xem hình). Dopamine sau đó được chuyển đổi thành chất dẫn truyền thần kinh monoamine khác, norepinephrine và sau đó là epinephrine. Vitamin B6, sắt, niacin và tetrahydrobiopterin là những đồng yếu tố dinh dưỡng cần thiết để tạo ra dopamine.

Điều gì xảy ra khi Dopamine mất cân bằng?

Khi nồng độ dopamine cân bằng, cảm xúc sẽ ổn định hơn. Dopamine cân bằng dẫn đến cảm giác hạnh phúc và động lực, sự tỉnh táo và tập trung. Ngược lại, thiếu hụt dopamine có thể dẫn đến cảm giác buồn bã, thiếu tập trung và thiếu động lực. Cả mức độ cao và thấp của dopamin đều có thể dẫn đến các vấn đề trong cơ thể.

Ảnh hưởng của Dopamine đến sức khỏe tâm thần

Hàm lượng quá nhiều hoặc quá ít dopamine là một trong số các nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần. Ví dụ như:

- Tâm thần phân liệt: Nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa hàm lượng “siêu dopamin” trong một số trung khu não bộ với khả năng kích thích ảo giác và ảo tưởng.

- ADHD: Một số nghiên cứu cho rằng thiếu hụt dopamine là nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Dopamine bị thiếu là do cấu trúc gen trong cơ thể.

- Lạm dụng các chất gây nghiện: Các chất gây nghiện làm tăng nồng độ dopamine gây cảm giác hưng phấn cao. Cảm giác dễ chịu này khiến con người muốn thử lại nhiều lần. Lâu dần, để đáp ứng cảm giác càng mạnh thì càng phải sử dụng với hàm lượng chất gây nghiện càng lớn.

- Trầm cảm: Trầm cảm được cho là có liên quan đến hàm lượng dopamine thấp. Đó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng buồn bã, khó ngủ và thay đổi nhận thức theo thời gian.

Ảnh hưởng của Dopamine đến các bệnh lý khác

Ngoài liên quan đến các bệnh lý tâm thần, dopamine còn ảnh hưởng đến một số bệnh lý khác như:

- Bệnh Parkinson: Một trong những tác dụng của dopamine là kết nối các tế bào thần kinh nhằm kiểm soát các chuyển động của cơ thể. Ở bệnh Parkinson, có một loại tế bào thần kinh bị thoái hóa dần. Những tế bào này mất khả năng truyền tín hiệu làm cơ thể tạo ra ít dopamine hơn. Từ đó làm xuất hiện các triệu chứng vật lý như run, cứng cơ, chuyển động chậm tự phát, cân bằng kém.

- Hội chứng thiếu hụt vận chuyển dopamine: Còn được gọi là loạn trương lực cơ kèm theo hội chứng parkinson (dystonia-parkinsonism) ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này gây ra những bất thường về vận động tương tự như bệnh Parkinson.

- Béo phì: Dopamine có khả năng gây ảnh hưởng đến mức độ ham muốn ăn uống ở những người béo phì. Các nghiên cứu phân tích hình ảnh não bộ cho thấy những người mắc bệnh béo phì không giải phóng đủ dopamine và serotonin trong quá trình ăn uống. Điều này làm họ ăn một lượng lớn thức ăn mà vẫn chưa cảm thấy hài lòng.

Nguồn: https://sanescohealth.com/blog/what-is-dopamine-and-what-is-it-responsible-for/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/dopamine-anh-huong-den-co-nhu-nao/