Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường
10.01.2024

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do suy giảm bài tiết insulin hoặc đề kháng insulin. Triệu chứng sớm bao gồm: uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài không được kiểm soát sẽ dẫn đến những biến chứng bệnh đái tháo đường cấp tính và mãn tính, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau như tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh đái tháo đường

1.  Những biến chứng nguy hiểm bệnh đái tháo đường
1.1 Biến chứng cấp tính

  • Hạ đường huyết
    Khi nồng độ đường huyết trong máu dưới 70 mg/dL (4,2 mmol/L), người bệnh đái tháo đường có thể gặp các dấu hiệu như đổ mồ hôi, ớn lạnh, nhịp tim tăng, đói cồn cào, bủn rủn chân tay, nhìn mờ hoặc suy giảm thị lực.
    Nguyên nhân dẫn đến biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường này liên quan phần lớn đến việc dùng thuốc, insulin và chế độ sinh hoạt không điều độ (uống rượu bia nhiều, bỏ bữa, tập luyện nhiều mà không bổ sung đủ năng lượng,…).
  • Nhiễm toan ceton 
    Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường type 1. Do cơ thể thiếu hụt insulin, phải phân hủy chất béo để tạo nên năng lượng cho cơ thể hoạt động. Hậu quả làm tích tụ ceton trong máu dần phát triển thành nhiễm toan ceton.
    Các dấu hiệu nhận biết bao gồm: buồn nôn, nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây (mùi của ceton), tiểu nhiều, khát, mệt mỏi, lú lẫn, thở sâu.
  •  Tăng áp lực thẩm thấu
    Tăng áp lực thẩm thấu máu hay còn gọi là hội chứng tăng đường huyết HHS (Hyperglycemic hyperosmolar syndrome). Biến chứng này xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao trong thời gian dài sẽ rút nước từ các tế bào cơ quan, dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
    Những dấu hiệu cảnh báo HHS ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: khô miệng, khát nhiều, lú lẫn, luôn cảm thấy buồn ngủ, ảo giác, buồn nôn, suy nhược cơ thể,...

1.2 Biến chứng mạn tính
Là những biến chứng diễn biến âm thầm nhiều năm, tuy nhiên sẽ để lại những hậu quả to lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Các biến chứng mạn tính đái tháo đường phải kể đến biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ.
Biến chứng mạch máu lớn
Biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường chính là tình trạng xơ vữa động mạch kèm với các hậu quả lâm sàng :

  •  Đột quỵ do xuất huyết não, nhồi máu não, đặc biệt nhồi máu não dạng ổ khuyết. Đôi khi bệnh nhân xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
  •  Bệnh thiếu máu cụ bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim.
  •  Bệnh mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi. 

Biến chứng mạch máu nhỏ
Biến chứng mạch máu nhỏ gây tổn thương trên một số cơ quan như mắt, thận và thần kinh:

  • Biến chứng mắt
    Nồng độ đường huyết cao gây tổn thương mạch máu và gây biến chứng ở mắt như bệnh võng mạc, xuất huyết mạch máu nhỏ vùng đáy mắt, đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc có thể dẫn đến mù lòa. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên đi khám mắt định kỳ (6-12 tháng/lần), phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở mắt để điều trị và phòng ngừa. 
  • Biến chứng thận
    Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, gây suy thận. Triệu chứng của người bệnh tiểu đường gặp biến chứng ở thận gồm: huyết áp tăng, phù, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, chán ăn,… Để phòng ngừa biến chứng này, cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát đường huyết và tầm soát biến chứng thận định kỳ.
  • Biến chứng thần kinh
    Biến chứng thần kinh xảy ra do đường máu tăng cao gây tổn thương mạch máu nuôi dây thần kinh, mất cảm giác ở chân và tay. Nghiêm trọng hơn, biến chứng thần kinh có thể khiến người bệnh đái tháo đường không cảm giác được dấu hiệu nguy hiểm ở chân, nguy cơ loét bàn chân. Đối với các tổn thương bàn chân nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nguy cơ cắt cụt chi thậm chí tử vong do tình trạng tắc mạch máu.

 

 

 Biến chứng bệnh đái tháo đường

 

2. Một số biện pháp chẩn đoán biến chứng đái tháo đường
Để phát hiện sớm cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh đái tháo đường chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể tầm soát tốt các biến chứng

  • Xét nghiệm HbA1C: xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng glucose gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu.
  • Xét nghiệm FPG (Glucose huyết tương lúc đói): Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng để thực hiện xét nghiệm.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống: đo khả năng sử dụng đường glucose của cơ thể.
  •  Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên.

3. Phương pháp kiểm soát đường huyết giúp phòng tránh các biến chứng của bệnh đái tháo đường

  • Tuân thủ sử dụng thuốc điều trị: Người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ, đảm bảo đủ thuốc, đủ liều lượng và đủ thời gian. Ngoài ra, cần thực hiện tái khám định kỳ 1-3 tháng/lần tùy theo tình trạng bệnh để kiểm tra tình trạng bệnh đái tháo đường, đánh giá hiệu quả của thuốc cũng như xem xét thay đổi liều dùng nếu cần thiết. 
  • Kiểm soát chế độ dinh dưỡng: Cần đặc biệt lưu ý kiểm soát chế độ ăn để tránh đường huyết tăng cao đột ngột. Người bệnh đái tháo đường nên cắt giảm lượng tinh bột trong gạo trắng, lúa mì, khoai tây, các loại đường mía, đường sữa… Hạn chế muối, chất béo xấu (mỡ động vật, chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn), chất đạm từ các loại thịt đỏ, trứng, sữa. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau củ quả, thực phẩm giàu chất xơ hòa tan ở dạng hấp, luộc để hạn chế chất béo. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, xen lẫn các bữa phụ là hoa quả không làm tăng đường huyết như xoài, bưởi, cam, thanh long, dâu tây… 
    Xem thêm sản phẩm tại đây