Bốn Con Đường Dẫn Truyền Dopamine Chính và Mối Liên Hệ Với Bệnh Tâm Thần Phân Liệt
18.11.2022

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh đa dạng và quan trọng trong cơ thể con người. Mặc dù nó thường được coi là chất dẫn truyền thần kinh của “khen thưởng và tán dương”, nhưng nó có vai trò kiểm soát các chức năng khác nhau bao gồm nhận thức, cảm xúc, điều hòa hormone, vận động có chủ ý, cảm giác tích cực củng cố hành vi …trong bốn con đường dẫn truyền dopamine chính:

1. Con đường Mesolimbic

Con đường dopamine chính đầu tiên là con đường mesolimbic. Con đường này có liên quan nhiều đến chức năng được cho là phổ biến nhất của dopamine: niềm vui và khen thưởng. Con đường này bắt đầu ở vùng não thất (VTA). VAT là một nhân giàu dopamine bao phủ một phần của não giữa và từ đây các điện thế động truyền đến một khu vực khác của não được gọi là nhân accumbens (NAc). Trong NAc, dopamine chủ yếu làm trung gian cho cảm giác thích thú và khen thưởng.

Sự kích thích Nac rất quan trọng để duy trì các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên sự kích thích quá mức có thể trực tiếp làm tăng hoạt động của dopamine trong con đường mesolimbic, tạo ra những cảm giác hưng phấn mãnh liệt. Do đó có thể dẫn đến cảm giác phụ thuộc và thèm khát.

Bên cạnh đó, các triệu chứng dương tính (ảo giác, hoang tưởng) của bệnh tâm thần phân liệt được cho là do sự tăng hoạt tính quá mức của dopamine trong con đường mesolimbic. 


2. Con đường Mesocortical

Con đường thứ hai được gọi là con đường mesocortical. Giống như trong con đường mesolimbic, các dẫn truyền dopaminergic trong con đường mesocortical bắt nguồn từ VTA. Từ VTA, điện thế động di chuyển đến các khu vực trong vỏ não trước trán (PFC). PFC liên quan nhiều đến nhận thức, trí nhớ làm việc và khả năng đưa ra quyết định. Do đó, khi rối loạn chức năng trong con đường này xảy ra, người ta có thể bị kém tập trung và không có khả năng đưa ra quyết định.

Sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như amphetamine, có thể làm tăng phóng thích dopamine trong con đường mesocortical, từ đó làm tăng nhận thức và hoạt động trong PFC. Mặc dù sự gia tăng dopamine trong con đường mesocortical này có thể hỗ trợ nhận thức, nhưng nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong con đường mesolimbic. Ngược lại, nồng độ dopamine quá thấp trong con đường này tạo ra những thay đổi sâu sắc trong nhận thức. Trên thực tế, người ta cho rằng các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt phần lớn được giải thích là do thiếu hụt dopamine trong con đường này. 

3. Con đường Nigrostriatal

Con đường tiếp theo của dopamine là con đường nigrostriatal, có liên quan đến sự vận động. Như tên gọi của nó, các dẫn truyền dopamine bắt đầu ở chất đen và đi đến hạch nền. Con đường này chứa khoảng 80% dopamine trong não.

Các neuron dopamine trong con đường nigrostriatal kích thích sự chuyển động có mục đích. Giảm số lượng neuro dopamine trong con đường này là một yếu tố chính của sự suy giảm khả năng kiểm soát vận động. Ngoài ra, thuốc đối kháng thụ thể D2, như thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất, can thiệp vào con đường nigrostriatal và có thể gây ra các triệu chứng ngoại tháp bao gồm các rối loạn vận động như rối loạn trương lực cơ, run, vận động không yên, hội chứng parkinson và rối loạn giảm động (cử động không đều/múa giật).

4. Con đường Tuberoinfundibular

Con đường dopamine cuối cùng là con đường tuberoinfundibular. Các neuron dopamine trong con đường này bắt đầu ở các nhân hình vòng cung và quanh não thất đi đến vùng infundibular của hạ đồi. Theo con đường này, dopamine được giải phóng vào tuần hoàn cửa nơi nối vùng này với tuyến yên. Ở đây, dopamine có chức năng ức chế phóng thích prolactin.
Prolactin là một loại protein do tuyến yên tiết ra, giúp sản xuất sữa và có chức năng quan trọng trong quá trình trao đổi chất và hệ thống miễn dịch. Sự phong tỏa các thụ thể D2 (thuốc chống loạn thần) ngăn chặn chức năng ức chế của dopamine, do đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu. Tăng prolactin có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, ham muốn tình dục, khả năng sinh sản, sức khỏe của xương hoặc khả năng tiết sữa.

Nguồn: 
1. https://sanescohealth.com/blog/dopamine-pathways/ 
2. https://schizophrenialife.se/what-is-schizophrenia-quick-overview/