Cariprazine là một thuốc mới, một thuốc chống loạn thần thế hệ hai, hay được một số tác giả gọi bằng thuốc chống loạn thần thế hệ ba. Nó được chấp thuận trên toàn thế giới vào năm 2015 để điều trị tâm thần phân liệt, các giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp trong rối loạn lưỡng cực. Nó cũng hiệu quả trong điều trị trầm cảm ở bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm điển hình [1].
Cơ chế tác dụng của cariprazine rất phức tạp. Ái lực của nó trên thụ thể dopamine D3 và tác dụng trên thụ thể 5HT1A, 5HT2A và alpha1B giúp phân biệt nó với các tác nhân chống loạn thần khác [1]. Các thuốc chống loạn thần hiện tại thường có hiệu quả chống lại các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt, kém hiệu quả hơn trong việc điều trị suy giảm nhận thức và các triệu chứng âm tính. Kết quả từ các thử nghiệm trên mô hình động vật cho thấy thụ thể dopamine D3 đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức, tâm trạng và các chức năng xã hội.[2]. Và chủ vận một phần thụ thể D2 chịu trách nhiệm cho sự cải thiện các triệu chứng dương tính [1]. Hầu hết các thuốc chống loạn thần hiện tại đều có ái lực thấp hơn với thụ thể D3 so với ái lực rất cao của dopamin, đó là lý do tại sao chúng không chiếm thụ thể dopamin D3. Tuy nhiên, cariprazine là thuốc duy nhất trong số các thuốc chống loạn thần có ái lực cao với thụ thể D3 hơn dopamine, do đó cariprazine có khả năng chiếm được thụ thể D3 và phong tỏa chúng [2]. Bên cạnh đó, ái lực của cariprazine với thụ thể D3 cao gấp 10 lần so với thụ thể D2, nên cariprazine giúp cải thiện cả các triệu chứng dương tính và âm tính, triệu chứng trầm cảm (bằng cách làm giảm đi các hành vi mãn tính liên quan đến sự thiếu niềm vui do căng thẳng và lo lắng), và có tác dụng nâng cao nhận thức. Có nhiều báo cáo từ các nghiên cứu trên chuột rằng sự chủ vận một phần thụ thể D3 hơn so với D2 thông qua việc giảm tác dụng của nó trên hệ thống khen thưởng cũng có thể là cơ sở cho các tác dụng không gây nghiện khi sử dụng cariprazine [1].
Sự chủ vận một phần thụ thể 5-HT1A chịu trách nhiệm cho việc cải thiện các triệu chứng âm tính và trầm cảm, bên cạnh đó, sự kích thích của chúng có liên quan đến hiệu quả chống trầm cảm của SSRIs và vortioxetine. Nhờ sự đối kháng trên thụ thể 5-HT2A, nguy cơ gặp các triệu chứng ngoại tháp thấp hơn. Tuy nhiên, với vai trò là chất đối kháng thụ thể 5-HT2B và 5-HT7, cariprazine giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm và có tác dụng nâng cao nhận thức. Sự đối kháng của các thụ thể 5-HT2C giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Tính chủ vận một phần của nó đối với các thụ thể dopamin D2 và D3 và serotonin 5-HT1A, sự đối kháng của các thụ thể serotonergic 5-HT2B làm cho cariprazine có tác dụng tương tự như aripiprazole và brexpiprazole. Cuối cùng, cariprazine cho thấy sự đối kháng một phần với thụ thể histamin H1, thụ thể M1 muscarinic. Tuy nhiên, do ái lực tương đối thấp đối với các thụ thể này, người ta cho rằng việc sử dụng nó sẽ ít gây nguy cơ an thần, tác dụng phụ liên quan đến hội chứng chuyển hóa hoặc hạ huyết áp. Ái lực cao với các thụ thể alpha 1B được giả định có liên quan đến việc giảm các triệu chứng ngoại tháp và chứng ngồi không yên [1].
Như vậy, dựa trên cơ chế tác dụng và các nghiên cứu lâm sàng, các ứng dụng thêm vào trong điều trị và vai trò sau cùng của cariprazine trong tâm thần học sẽ chỉ được thể hiện bằng các thực hành lâm sàng và các nghiên cứu sau khi ra thị trường về tính hiệu quả và an toàn của nó. Và có lẽ, cariprazine cũng sẽ được sử dụng để tăng cường tác dụng chống trầm cảm và trong liệu pháp đa trị liệu cho bệnh tâm thần phân liệt trong tương lai [1].
Nguồn:
1. Rusinek, Adam, Gracjan Rudziński, and Jolanta Masiak. "New drugs in psychiatry-cariprazine, lurasidone, esketamine." Curr Probl Psychiatry 22.2 (2021): 2.
2. The mechanism of action of Reagila, available from: https://schizophrenialife.se/the-mechanism-of-action-of-reagila/?